Điểm khởi động đầu tiên mà các mạng di động lớn (Mobifone, Vinaphone, Viettel) nhắm tới là các đại lý sim thẻ. Trước khi có quy định của Bộ TT&TT, các đại lý chính là những “đối tượng” đăng ký hộ cho rất nhiều khách hàng dưới cùng một cái tên.
Vì thế, trên hệ thống của các mạng di động đều xuất hiện các “đại thuê bao” (một cá nhân đứng tên sở hữu rất nhiều thuê bao trả trước) nhưng người sử dụng thực sự không phải là người đăng ký.
Tuy nhiên, với việc Bộ TT&TT siết chặt việc quản lý thuê bao trả trước, các “đại thuê bao” này sẽ bị chịu ảnh hưởng đầu tiên. Sau thời hạn 31/12/2009, các cá nhân đăng ký quá 3 sim di động/mạng sẽ bị cắt dịch vụ từ sim thứ 4. Điều oái ăm là người đăng ký thông tin chủ sở hữu của các “đại thuê bao” lại không vấn đề gì trong khi người bị ảnh hưởng chính là những người sử dụng thực sự của các sim di động này.
Ông Đinh Việt Hưng - Trưởng phòng Giá cước Tiếp thị Mobifone cho biết: “Rất nhiều sim trả trước mà khách hàng đang sử dụng hiện đứng tên của người khác và không đúng với quy định của Bộ TT&TT. Vì vậy, các khách hàng cần kiểm tra lại các thông tin đăng ký thuê bao trả trước của mình, nếu là tên người khác thì cần đi đăng ký lại để tránh việc bị cắt dịch vụ sau 31/12/2009”.
“Một lợi ích khác của việc đăng ký lại thông tin cho chính chủ là giảm tối đa các phiến phức có thể gặp phải trong trường hợp có tranh chấp xảy ra” - ông Hưng cho biết thêm.
Còn ông Hoàng Sơn, Giám đốc Viettel Telecom thì cho rằng: “Sim của mình sở hữu mà lại đứng tên người khác thì các quyền lợi sau này nhà mạng đem tới cũng có thể bị nhầm lẫn. Viettel sẽ có gắng hoàn thành việc đăng ký lại thông tin thuê bao trả trước theo đúng thời gian Bộ quy định”.
Về những trường hợp một cá nhân sử dụng và đăng ký đúng thông tin của mình với nhiều hơn 3 thuê bao/1 mạng, nguồn tin từ các mạng di động đều khẳng định: số lượng này cực ít.
“Gần như không có ai dùng tới 5 - 6 số di động thường xuyên, mà phổ biến là dùng 1 - 2 sim, còn lại là một sim để gọi và thay đổi liên tục sim này (sim rác)”, một lãnh đạo của Vinaphone cho biết. Ông này cũng nhận định: gần như 100% những cá nhân đăng ký hơn 3 sim trả trước/1 mạng đều do các đại lý đăng ký hộ.
Nguồn tin từ cả 3 mạng di động lớn đều cho biết, bắt đầu bằng việc “chém” các đại thuê bao, lượng khách hàng đăng ký thông tin chính xác sẽ tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, đối với các sim trả trước được bán mới, tình trạng khai hộ thông tin cũng sẽ được giảm bớt bởi khách hàng sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc đăng ký chính chủ cho thuê bao.
Ông Đinh Việt Hưng nhận xét: “Vấn đề quan trọng ở đây là sự nhận thức của khách hàng về việc đăng ký thông tin cho chính xác. Nếu tài sản của mình mà cứ đứng tên người khác thì rõ ràng là không ổn. Dù không có quy định của Bộ TT&TT thì về số lượng thuê bao được đăng ký thì khách hàng cũng nên đi đăng ký thông tin cho chính xác để bảo vệ quyền lợi của chính mình”.
Về phía các mạng di động khác, đại diện của Viettel, Vinaphone cho biết: đăng ký thông tin chính xác không những bảo vệ quyền lợi của khách hàng mà còn giúp các nhà mạng có được thông tin để chăm sóc khách hàng tốt hơn. Vinaphone và Viettel cùng khẳng định sẽ cố gắng tối đa trong việc chính xác hóa cơ sở dữ liệu khi khách hàng đi đăng ký lại thông tin.
Tuy nhiên, các nhà mạng cũng cho biết: “Khó có thể kỳ vọng một sự chính xác tuyệt đối với việc đăng ký lại thông tin. Việc chuẩn hóa lại cơ sở dữ liệu đối với thuê bao trả trước phải tiến hành dần dần và có thời gian chứ không thể xong ngay lập tức được”.
Bộ TT&TT yêu cầu các doanh nghiệp thắt chặt công tác quản lý thuê bao trả trước nhằm đảm bảo mọi công dân được bình đẳng khi sử dụng dịch vụ điện thoại di động trong khi tài nguyên viễn thông (kho số) là hữu hạn và góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Nguồn tin: Dân trí. |